1
Bạn cần hỗ trợ?

ĐÊM GIAO THỪA, ĐÊM TRẦM HƯƠNG

ĐÊM GIAO THỪA, ĐÊM TRẦM HƯƠNG

Giao thừa là thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, thời khắc cực kỳ thiêng liêng, trời đất giao hòa, âm dương hợp quyện, vạn vật bừng lên sức sống tươi mới và mãnh liệt. Được hưởng vẹn nguyên giờ phút thiêng liêng ấy với cảm giác của sự trầm mặc, u tịch, thanh tịnh, thánh thiện dưới bóng trầm hương quyện với tiếng chuông khuya mà rưng rức bồi hồi về một ngày mai gắn với bao trông mong và hy vọng. Từ chiều 30 Tết, đầu làng cuối phố người ta đã thấy xôn xao… mùi Tết. Đó là lúc trầm được đốt lên trong nhiều đình làng, đền thờ, chùa phủ và các gia đình làm lễ tất niên – mâm cơm chiều 30 Tết mời tổ tiên về hưởng Tết cùng con cháu. Trầm hương trước kia chỉ được dùng cho giới thượng lưu, nhà giàu, khá giả trong dịp lễ lạt của các bậc nho gia, chí sĩ mới thấy trầm quý biết nhường nào. Trầm có hương thơm rất đặc trưng, thanh tao mà không một hương thơm nào sánh được. Nó không phải là thứ để dùng đại trà. Người Hồi giáo dùng trầm trong cử hành lễ. Người phương Đông xưa dùng trầm cho vào nước tắm của các bậc vua chúa hay vương gia, nhà khá giả hoặc cho trầm vào rương quần áo mong cho ám được mùi hương thơm của nó (áo xông hương). Ngày nay, đốt trầm và chơi trầm đã đi vào đời sống văn hóa tinh thần của nhiều tầng lớp người Việt.

Trầm phân bố ở khu vực Đông Nam Á, nhưng mùi trầm thơm tao nhã chỉ có ở trầm Việt Nam. Là loại cây quý tựa quốc bảo đã được chọn để trang trí trên đỉnh đồng ở cung đình Huế. Trầm hương có mặt trải dải miền Trung suốt từ Thanh Hóa trở vào đến Tây Nguyên, trong đó Khánh Hòa là nơi mật độ trầm dày đặc và hương thơm nhất. Chẳng thế mà người ta gọi Khánh Hòa là xứ Trầm Hương.

Có người gọi đêm giao thừa là đêm trầm hương. Phải chăng mọi nhà đều dâng hương đốt trầm cúng trời cúng đất, tưởng nhớ ông bà tổ tiên mà thành ra tên vậy! (Theo phong tục của dân tộc Việt Nam từ cổ xưa, giao thừa nhà nhà đều cúng lễ ngoài trời và cúng lễ trong nhà vào thời điểm bắt đầu lúc 0 giờ 0 phút 0 giây ngày mồng 1 tháng Giêng. Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà và một mâm cúng trời đất ở khoảng sân trước nhà). Trong thời khắc linh thiêng này, trước bàn thờ Tổ tiên, ông bà, những nén hương trầm được người dân đốt lên để thành kính khấn nguyện, cầu cho một năm mới quốc thái dân an, đời người mong mỏi được ấm no sung túc.

Đêm trầm hương, có thể đó là cách gọi ước lệ của những tâm hồn nghệ sĩ, nhưng ngẫm ra đó là sự ước lệ gần gũi và chân thực. Trầm hương thì thơm thoảng nhưng vọng nhớ, nhẹ bay nhưng nặng lòng, bảng lảng nhưng lắng sâu.

Các doanh nhân sau một năm kinh doanh, thành công có, chưa thành công cũng có nhưng sau một năm thì tết chính là dịp để họ tách được các công việc thường ngày trở về đoàn tụ cùng gia đình, người thân nhìn lại những gì chưa hoặc đã làm được. Những làn khói hương trầm là hành trang không thể thiếu, dâng lên ông bà tổ tiên những nén hương trầm vừa là tỏ lòng thành kính nhưng khói trầm cũng giúp cho tâm được tĩnh để suy nghĩ hy vọng cho một năm mới với nhiều niềm vui và thành công.

Đêm giao thừa là đêm thơm thảo nhất của con cháu đối với tiền nhân, dẫu chẳng phải là ngày giỗ chạp, chỉ là vọng nhớ, biết ơn, là mong được gần gũi thân tình với người đã khuất, biểu hiện của lòng yêu thương và niềm tôn kính.

Đêm giao thừa thoang thoảng mùi trầm hương nhẹ bay, cái “mùi tết”, mùi sum họp đoàn viên không lẫn vào đâu được! Ai đi xa không về kịp nhà đón giao thừa, chỉ cần thoảng qua gió đâu đó mùi trầm hương đủ cảm thấy nặng lòng xót xa chực khóc.

Đứng trước bàn thờ gia tiên đêm giao thừa nhìn trầm hương bảng lảng nhưng lòng lại lắng sâu đến tận cùng trầm tích không gian thời gian, cõi linh thiêng hiện về mang tín hiệu của an yên phúc hạnh và tin yêu.

Có những cụ già mà trầm hương giao thừa đã nhuộm trắng tóc vẫn hồi hộp lắng lòng chờ đợi. Họ đã trải qua thời khắc mà ở đó, tiếng chuông chùa vọng buông những âm thanh siêu thoát, năm tháng bềnh bồng đang tìm bến đỗ, đêm sâu vô thường, gió khuya trăn trở, trời đất chuyển mình, cõi linh thiêng lay động và mình nhận ra mình đang tồn tại trên cõi đời này, để rồi tất cả tạo nên sự hoài niệm tĩnh lặng, gần mà xa, hư mà thực.

Tôi vẫn nhớ như in, năm nào cũng thế chừng 10 giờ tối khi mọi người đã quần áo chỉnh tề, cả nhà quây quần bên chiếc bàn gỗ. Ông nội tôi mới đến chiếc tủ gỗ nhỏ đặt trang trọng trong phòng khách lấy ra một hộp gỗ nhỏ chứa những thanh Trầm Hương Khánh Hòa. Những thanh trầm được đốt lên và đặt vào trong hộp. Ông nội và bố trầm ngâm uống từng ngụm trà xanh nóng không ai nói một câu gì, tất cả dường như đang cố tận hưởng trọn vẹn hương thơm của trầm. Không gian im lặng nhưng lại có một sự thú vị đến lạ kỳ.

“Đốt trầm trong thời khắc này chính là thể hiện sự thành kính, tưởng nhớ đến ông bà mình” – ông nội giải thích nhẹ nhàng. Mà lạ thật, không chỉ duy trì thói quen đốt trầm vào đêm giao thừa mà ngay cả câu nói ấy cũng được ông lặp lại rất nhiều lần và năm nào cũng giống nhau.

Tuổi trẻ có cách nhìn, cách hưởng thụ, cách đón giao thừa kỹ thuật hơn, số hóa đêm cuối năm bằng tín hiệu phát ra từ cuộc sống hiện đại. Cà phê phố, ly rượu mừng, nụ hôn muộn, tin nhắn yêu, lời chúc đã lập trình… và cả những cuộc rong đêm. Nhưng hãy nhìn sâu vào đôi mắt của họ, dễ dàng nhận ra bên trong lớp vỏ cách kiểu mới mẻ tưởng như vô tâm vô thức đó, vẫn là trái tim đang hòa nhịp cùng hơi thở của đất trời và mùi trầm hương thiêng liêng đêm giao thừa vẫn lan tỏa nồng thơm trong giấc mơ tuổi trẻ tràn đầy năng lượng và sự cống hiến.

Giao thừa là một khoảnh khắc thiêng liêng mà ai cũng trân trọng. Đặc biệt, nếu các cặp đôi có thể bên nhau vào thời khắc này thì tình cảm sẽ càng thêm gắn bó. Hãy nắm chặt tay nhau vào đêm giao thừa, tình yêu của bạn sẽ thực sự bên nhau dài lâu. Nếu hai bạn ở xa thì hãy cũng thắp lên những nén hương trầm dâng lên bàn thờ tổ tiên trong giờ phút thiêng liêng và cùng cầu mong cho tình yêu của các bạn sẽ mãi mãi bền lâu, hương trầm chính là sợi dây kết nối giữa thế giới thực và thế giới tâm linh, truyền tải những lời thỉnh cầu một cách trọn vẹn nhất.

Không thể phủ nhận cuộc sống số đã và đang làm phai nhạt những nét xưa vốn cổ nhưng đêm trầm hương giao thừa thiêng liêng vẫn mãi mãi trường tồn trong mỗi chúng ta khi trời đất còn tồn tại.

Đêm trầm hương nhẹ lòng nhau

Tiếng chuông khuya vọng đêm sâu vô thường

    Thắp lòng một nén tâm hương

Thế nhân hữu hạnh thập phương thái hòa.

Nhận xét

Tin liên quan

Bàn gỗ tự xoay tại Hà Nội
( 20:58:00 PM - 09/05/2019 )
Chiếc bàn xoay kỳ lạ 200 tuổi đã có mặt tại Trầm Hương Phúc Lộc Thọ ( Hà Nội ). Khi mọi người cùng đặt ngửa bàn tay xuống mặt bàn, chưa tới 3 phút, lại nghe tiếng rắc... rắc... dưới gầm bàn, rồi mặt bàn đột nhiên "trở mình" rùng rùng quay ngược chiều kim đồng hồ... Đến đất Tam Thành (Phú Ninh, Quảng Nam) hỏi lão nghệ ...
Xem thêm »
TÌM HIỂU VỀ NHỮNG Ý NGHĨA ĐẶC BIỆT CỦA TINH DẦU TRẦM HƯƠNG
( 21:34:00 PM - 07/05/2019 )
TÌM HIỂU VỀ NHỮNG Ý NGHĨA ĐẶC BIỆT CỦA TINH DẦU TRẦM HƯƠNG Tinh dầu Trầm Hương là một trong những loại tinh dầu thiên nhiên quý giá nhất trên thế giới. Tinh dầu được chiết xuất từ trầm hương hoặc từ gỗ cây dó bầu đã tạo trầm hương, là chất lỏng sánh, nhớt, dẻo, màu vàng hoặc màu hổ phách, có mùi thơm đặc trưng. Tại ...
Xem thêm »
QUY TRÌNH SẢN XUẤT HƯƠNG TRẦM PHÚC LỘC THỌ
( 08:47:00 AM - 04/05/2019 )
QUY TRÌNH SẢN XUẤT HƯƠNG TRẦM PHÚC LỘC THỌ Thắp hương (nhang) là một trong những tập quán mà hầu như mọi người dân Châu Á bất kể lứa tuổi nào và sống ở nơi đâu đều biết đến, như một nét đẹp truyền thống, gần gũi và thiêng liêng. Dù không mê tín dị đoan, trong tâm thức mọi người Châu Á chúng ta đều tin rằng nén hương khi ...
Xem thêm »

Copyright © 2017 - All Rights Reserved. Design by http://tramhuong.top

Hotline